Dàn ý nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân


Hướng dẫn lập dàn ý nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 

Bạn đang xem: Dàn ý nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân

Dàn ý nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân – Mẫu số 1

Dàn ý nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Cuộc sống là của mình, mình phải có trách nhiệm chứ không thể phó thác cho ai khác, ngược lại sống mà vô trách nhiệm với cuộc đời của chính mình thì thật không đáng sống, bởi thói vô trách nhiệm không chỉ gây hậu quả đối với cá nhân mà còn cả những người xung quanh và toàn thể xã hội.

2. Thân bài

– Thói vô trách nhiệm là gì?

– Biểu hiện của thói vô trách nhiệm:

+ Bản thân sống buông thả, bất cần trong công việc, mặc kệ cái sai của mình

+ Thờ ơ với những người xung quanh

+ Không bận tâm tới những vấn đề xã hội, hành động sai trái, lệch lạc với chuẩn mực xã hội

– Tác hại của thói vô trách nhiệm

+ Suy đồi đạo đức, nhân cách con người

+ Mất đi sự kết nối, gắn kết với mọi người

+ Công việc kém hiệu quả, thất bại, kìm hãm phát triển xã hội

3. Kết bài

Rút ra bài học nhận thức và hành động: Mỗi người phải có nhận thức rõ ràng về biểu hiện cũng như tác hại của thói vô trách nhiệm, đồng thời phải không ngừng đặt trách nhiệm của mình với cuộc sống lên hàng đầu

Dàn ý nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân – Mẫu số 2

A, Mở bài

– Giới thiệu một cách khái quát về thói vô trách nhiệm đang diễn ra ở trong xã hội như thế nào

– Thói vô trách nhiệm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ, điều này thật nguy hiểm đối với xã hội.

B, Thân bài

– Giải thích thế nào là bệnh vô trách nhiệm: Vô trách nhiệm được hiểu là những việc của bản thân mình thì ỉ lại cho người khác. Với tâm lý “Không có mợ thì chợ vẫn đông” . Mình không làm thì còn nhiều người khác làm. Không bao giờ suy nghĩ hay trăn trở về trách nhiệm, hay nghĩ việc mình làm mặc dù có ảnh hưởng đến người khác cũng không bao giờ nhận lỗi và sửa sai…

Hay nói cách khác, vô trách nhiệm chính là những việc trái với những người có lối sống tinh thần trách nhiệm như họ luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt những công việc của mình và của xã hội. Họ luôn làm tròn bổn phẩn của một người con trong gia đình. Họ luôn luôn hiếu thảo với ông bà cha mẹ, có lẽ đây tưởng chừng là một việc làm đơn giản nhưng thử hỏi đã mấy ai làm được? Khi ra ngoài xã hội thì họ còn là người công dân tốt,luôn luôn biết giúp đỡ người khác và rất có ý thức bảo vệ môi trường sạch đẹp. Còn những người có lối sống trách nhiệm thì hoàn toàn ngược lại với những người có trách nhiệm
– Bệnh vô trách nhiệm đã có ảnh hưởng cũng như biểu hiện như thế nào đối với đời sống?

Khi một người mà sống trong cuộc sống họ luôn luôn tự cho mình là đúng, không hề quan tâm đến người khác, khi sai thì đổ lỗi, không bao giờ dám nhận trách nhiệm về mình. Làm cho xã hội

Lối sống vô trách nhiệm còn được biểu hiện rộng hơn cả đó là vô trách nhiệm với những người xung quanh., rồi còn hủy hại môi trường nơi mình đang sống và làm việc. Khi ra đường gặp một cụ già không qua được đường thì không ít bạn trẻ lấy làm ngơ, không phải việc của mình phủi tay đi mà không mảy may nghĩ gì Rồi ngay cả thói quan ăn đồ xong vứt rác ngay trên đường mà không bỏ đúng nơi quy định mặc dù các thùng rác ngay gần đó…Tựu chung lại tất cả đều là thói vô trách nhiệm của chính bản thân mà thôi. Trong một xã hội có những người có suy nghĩ và lối sống như vậy sẽ tạo nên một văn hóa ứng xử không tốt và gây nên ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Nếu bạn sống thờ ơ trách nhiệm với gia đình và xã hội thì bạn sẽ không nhận được lại những gì hay sự giúp đỡ của nguồi khác và rồi dần dần sẽ bị cô lập mà thôi.
– Liên hệ truyền thống đạo lí: “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”…

Tình thương yêu của con người trong mỗi thành viên gia đình, hay xã hội ngày trước sẽ là “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, thật khó có thể hình dung được khi những người thân của mình gặp chuyện mà mình lại thờ ơ. Nhưng chuyện khó tin đó nay lại diễn ra rất nhiều trong xã hội, trong đất nước mà chúng ta vẫn từng tự hào là có tinh thần đoàn kết không một kẻ thù nào chống lại được. Điều này thật đáng buồn hơn bao giờ hết!

– Hiện nay vật chất phát triển, một số người chỉ biết sống cho riêng mình. Phê phán lối sống ích kỉ.

– Tình thương là hanh phúc, là cái quý giá nhất của con người. Bệnh vô cảm làm mất đi phẩm chất tốt đẹp đó, như một dòng máu nóng trở nên lạnh đen.

– Liên hệ bản thân: sống có trách nhiệm, biết chia sẻ bởi khi được chia sẻ “niềm vui sẽ được nhân đôi, còn nỗi buồn sẽ vợi đi một nửa”.

Cuộc sống càng phát triển càng hiện đại thì con người chúng ta ngày càng trở nên thờ ơ với bản thân mình và thờ ơ với cả gia đình và xã hội. đó là biểu hiện của lối sống vô trách nhiệm rất đang lên án và phê phán trong xã hội hiện nay

C, Kết bài:

Khẳng định lại thói vô trách nhiệm đang là một thói xấu và cần phải bỏ trước khi nó trở thành một vấn nạn trong xã hội ngày nay.

Nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân – Bài mẫu 1

Dàn ý nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

      Mỗi con người chúng ta được sinh ra và tồn tại trên thế giới này đều là một điều may mắn, mặc dù cuộc đời của mỗi người là hoàn toàn khác nhau song chúng ta có chung một trách nhiệm đó chính là trách nhiệm với cuộc đời của mình. Cuộc sống là của mình, mình phải có trách nhiệm chứ không thể phó thác cho ai khác, ngược lại, sống mà vô trách nhiệm với cuộc đời của chính mình thì thật không đáng sống, bởi thói vô trách nhiệm không chỉ gây hậu quả đối với cá nhân mà còn cả những người xung quanh và toàn thể xã hội.

      “Vô trách nhiệm” chính là không có trách nhiệm, thói vô trách nhiệm của con người ở mức độ cá nhân là vô trách nhiệm với bản thân, cao hơn là vô trách nhiệm với những người thân, bạn bè và mọi người xung quanh, cuối cùng là sự vô trách nhiệm với xã hội mà chính mình đang tồn tại trong đó. Người vô trách nhiệm sẽ không chịu trách nhiệm về bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống cũng như công việc và sinh hoạt, họ luôn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, né tránh và luôn ỷ lại, hoặc nếu có tiếp nhận họ cũng chỉ giải quyết theo cảm tính, làm qua loa cho có chứ thực sự không để tâm đến trách nhiệm của mình. Biểu hiện của thói vô trách nhiệm trong cuộc sống rất dễ nhận biết, thói hư tật xấu này như những cây cỏ dại, mọc lan rất nhanh và có thể tồn tại ở bất cứ nơi đâu, bất cứ con người và hoàn cảnh nào nếu như nơi đó có điều kiện cho chúng sinh sôi, nảy nở.

      Một con người vô trách nhiệm sẽ không quan tâm tới chính bản thân mình về tất cả mọi mặt trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như công việc. Họ không quan tâm đến sức khỏe của chính mình, có ốm đau hay biểu hiện nguy hại gì cũng mặc kệ, không thăm khám hay kiểm tra tình hình sức khỏe cơ thể. Họ không có ý thức chăm sóc cho bản thân, vun vén cho công việc, ngược lại làm việc gì cũng cẩu thả, qua loa, thái độ miễn cưỡng cho xong chuyện, với bất cứ vấn đề gì xảy ra cũng buông thả, luôn có suy nghĩ “tới đâu hay tới đó”. Đối với mọi người xung quanh, người vô trách nhiệm có thể vô tâm với chính người thân trong gia đình của mình, cha mẹ là người sinh ta ra nhưng đến khi ốm đau những người con lại đùn đẩy trách nhiệm trông nom cho nhau, không ai chịu chăm nom cha mẹ, ai cũng bày biện lý do để thoái thác trách nhiệm của mình.

      Trách nhiệm của bạn bè với nhau là luôn giúp đỡ, động viên nhau cùng vươn lên nhưng với người vô trách nhiệm, họ lại thờ ơ trước khó khăn của bạn bè, không quan tâm hay nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm động viên, an ủi trước nỗi đau thương của bạn. Với những vấn đề của cộng đồng, xã hội, người vô trách nhiệm dường như không quan tâm, không chú ý tới, tách biệt mình ra khỏi những hoạt động chung. Hoặc nếu có tham gia vào những công việc chung khi xảy ra sự cố, sai sót sẽ chối đẩy, không nhận lỗi sai, cố tình đẩy trách nhiệm cho người khác. Quả thực một người có thói vô trách nhiệm kéo theo sự xấu xa, suy đồi về mọi mặt. Không chỉ làm cho chính họ mất đi những giá trị đạo đức làm người, tha hóa chính nhân cách của mình mà ngược lại còn ảnh hưởng lớn đến mọi người xung quanh. Phải chung sống và làm việc cùng người vô trách nhiệm đồng nghĩa với việc họ phải chịu trách nhiệm và gánh hậu quả thay cho người đó, từ đó mà người vô trách nhiệm dần mất đi những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, bị mọi người chê trách, xa lánh. Vô trách nhiệm trong bất cứ nghề gì cũng khiến cho năng suất và chất lượng làm việc kém hiệu quả, kìm hãm sự phát triển chung của xã hội.

      Thói vô trách nhiệm là thói xấu mà tất cả mọi người phải diệt trừ và tránh xa, chính cá nhân mỗi người phải có nhận thức rõ ràng về biểu hiện cũng như tác hại của thói vô trách nhiệm, đồng thời phải không ngừng đặt trách nhiệm của mình với cuộc sống lên hàng đầu. Với tất cả mọi vấn đề liên quan đến bản thân mình, ta đều phải đề cao trách nhiệm của mình trong đó, sống có trách nhiệm chính là sống có ý nghĩa.

Nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân – Bài mẫu 2

      Cuộc sống càng phát triển càng khiến con người ta trở nên thờ ơ với những gì vốn dĩ là quen thuộc, gần gũi, trước hết là bản thân mình sau đó là gia đình, xã hội, đó là biểu hiện của lối sống “vô trách nhiệm” rất đáng phê bình và lên án.

Xem thêm: điểm cực bắc của nước ta thuộc tỉnh nào

      Trái lại với những người sống có tinh thần trách nhiệm, họ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính là học tập. Ở gia đình, họ luôn làm tròn bổn phận của một người con có hiếu với ông bà, cha mẹ. Ngoài xã hội họ là người công dân tốt, có ý thức bảo vệ môi trường, giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, hoạn nạn và lên án những hành vi tiêu cực gây ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó, là những người có lối sống vô trách nhiệm.

      Biểu hiện của lối sống vô trách nhiệm là việc sống buông thả với chính bản thân mình. Học sinh, sinh viên không chịu học tập, mà mải chơi điện tử, tham gia các tệ nạn xã hội dẫn tới việc suy thoái tư cách đạo đức và phẩm chất con người. Những trang báo mạng điện tử thường xuyên đăng những bài báo về các sự việc con cái bỏ rơi, đánh đập cha mẹ hoặc đuổi cha mẹ ra khỏi nhà. Đó là những người vô trách nhiệm với chính cha mẹ – những người đã sinh ra mình. Những lối sống đó là trái với chuẩn mực đạo đức xã hội. Trách nhiệm của cha mẹ là phải nuôi dạy con cái nên người và trách nhiệm của con cái là phải phục dưỡng, báo hiếu công lao của cha mẹ. Nếu ai đó làm trái với quy luật này sẽ bị xã hội lên án. Phải chăng những người đó họ mải chạy theo danh vọng, đồng tiền mà đánh mất chính mình, đánh mất những gì thân thuộc nhất đó là gia đình, cha mẹ. Họ sống ích kỉ và thờ ờ với mọi thứ xung quanh. Rồi họ sẽ nhận lại được gì, cũng là sự thờ ơ và coi thường của những người thân thiết với họ và của toàn xã hội và rồi họ cũng sẽ chẳng có gì trong tay khi họ chỉ còn một mình.

      Lối sống vô trách nhiệm còn được biểu hiện rộng hơn ở việc chúng ta không biết quan tâm đến những người xung quanh, và hủy hoại môi trường. Ra đường gặp một người già đang qua đường, bạn không sẵn sàng giúp đỡ họ khi có thể. Gặp một người chỉ xin bạn 5 nghìn đi xe buýt do bị mất ví, bạn không nói gì và quay mặt đi. Bạn vừa đi học, vừa ăn kem rồi vứt vỏ ra đường. Mặc dù là người cuối cùng ra khỏi lớp nhưng bạn cũng không tắt điện vì bạn nghĩ đó không phải là việc của bạn,.. Rất nhiều những việc làm khác nữa thể hiện lối sống vô trách nhiệm. Những người có suy nghĩ và lối sống như vậy sẽ tạo nên văn hóa ứng xử không tốt gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Là người sống vô trách nhiệm bạn sẽ không thể hiện được trách nhiệm của người công dân khi sống trong xã hội và sẽ không bao giờ được nhận lại sự giúp đỡ từ người khác và bạn sẽ nhanh chóng bị cô lập.

      Mỗi người chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về suy nghĩ và lối sống có trách nhiệm. Bởi xã hội là một chuỗi các mối quan hệ, chúng ta không thể sống một mình mà phải phụ thuộc vào những người khác. Để khẳng định được giá trị bản thân, trước hết bạn phải sống có trách nhiệm với chính mình bằng cách nỗ lực cố gắng hoàn thiện mình, dám làm, dám chịu và luôn làm điều có ích, sau đó bạn phải có trách nhiệm với gia đình, luôn yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ và làm tốt bổn phận của người con. Đối với xã hội, bạn cần có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn của công và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Có như vậy bạn mới trở thành người công dân tốt và cuộc sống của bạn mới có ý nghĩa.

Nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân – Bài mẫu 3

      Cuộc sống hiện đại đang kéo con người vào nhịp sống nhanh, sống vội, sống cuồng nhiệt khiến cho khoảng cách cũng như mối quan hệ như bị kéo dãn ra. Có nhiều biểu hiện sai trái, lệch lạc cũng xuất phát từ lối sống này. Một trong những lối sống đang lên án chính là thói vô trách nhiệm.

      Thói vô trách nhiệm được hiểu là sự hờ hững, không quan tâm, không có trách nhiệm với việc làm của mình và của người khác. Trong cuộc sống hiện nay thói vô trách nhiệm đang hiển hiện và ngày càng gia tăng. Bạn vô trách nhiệm với chính bản thân mình, vô trách nhiệm với bạn bè, với gia đình và với nhiều mối quan hệ khác. Thói sống này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn và của nhiều người xung quanh.

      Khi sống trong một gia đình, lúc còn bé thì ba mẹ có trách nhiệm nuôi con cái trưởng thành. Sau này con cái khôn lớn, tự lập, tự lo cho cuộc sống của chính mình; ba mẹ đã về già thì con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng ba mẹ. Đây là nền nếp văn hóa vẫn được phát huy và gìn giữ trong mỗi gia đình.

      Hơn hết việc có trách nhiệm không chỉ là với người khác, mà nó còn là phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Có trách nhiệm với bản thân mình được hiểu là những suy nghĩ và hành động của bản thân luôn ở trong chế độ có kiểm soát.

Mở rộng hơn nữa còn là có trách nhiệm với những người xung quanh mình. Đây là điều mà hiện nay rất nhiều người đã bị guồng quay cuộc sống quá phức tạp cuốn đi mất. Họ sống thờ ơ, dửng dưng, vô trách nhiệm không chỉ với người khác mà còn với chính bản thân mình.

      Ở lứa tuổi thanh niên, lối sống vô trách nhiệm với bản thân xuất hiện rất nhiều. Những hành vi, hành động của tuổi trẻ không được kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều hậu quả sai lầm về sau. Một ví dụ điển hình cho thói vô trách nhiệm này là việc các cặp đôi yêu nhau hiện nay không có trách nhiệm với những hành động của mình. Việc sống thử với nhau khi yêu, rồi mang bầu, mọi chuyện được giải quyết bằng cách phá bỏ cái thai trong bụng. Đây chính là hành động vô trách nhiệm, sai lầm lớn khiến cho cuộc đời bạn về sau phải hối hận.

      Hiện nay, rất nhiều người đang sống ích kỷ, thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm với những người ở xung quanh mình. Nó đã để lại nhiều hậu quả mà chính bản thận họ sau này mới nhận ra. Trong những năm gần đây, cư dân mạng đang nhức nhối tình hình bố mẹ bỏ con cái ở cổng chùa, ở rừng; con cái đuổi bố mẹ ra khỏi nhà, không cho ăn, phải đi lang thang. Thực tế đau lòng này khiến cho chúng ta mất niềm tin vào con người. Chúng ta sống với nhau cần phải có trách nhiệm với nhau nhưng họ lại vô trách nhiệm như thế thì khác nào đang tự đẩy cuộc sống của mình vào sai lầm.

      Hậu quả của lối sống vô trách nhiệm rất rặng nề. Có rất nhiều người cần chúng ta giúp đỡ ở ngoài kia nhưng chúng ta lại làm ngơ, ngó lơ, cứ lạnh lùng bước qua. Có thể hôm nay chúng ta đi qua một khu chợ sầm uất và bắt gặp cảnh tượng hai bà cháu đang ngửa chiếc nón rách để xin tiền về qua. Và chúng ta đã bước qua, chỉ ngoái nhìn và không làm gì. Đây chẳng phải là vô trách nhiệm, thờ ơ trước khó khăn của người khác hay sao.

      Khi cuộc sống quá nhanh, con người cạnh tranh khốc liệt với nhau, tranh giành địa vị, chức quyền và chúng ta đã quên mất trách nhiệm với bản thân và với những người xung quanh. Khi sống có trách nhiệm, chúng ta sẽ được nhiều người yêu mến và kính trọng.

      Mỗi người chúng ta là một cá thể đặc biệt tạo nên xã hội. Chúng ta cần phải sống có trách nhiệm để có thể xây dựng một xã hội phát triển lành mạnh hơn. Đây là điều cần thiết mà mỗi người cần phải rèn luyện.

Nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân – Bài mẫu 4

      Hằng ngày đi trên các ngả đường người ta gặp nhiều bích chương ngợi ca, bích chương cảnh báo, hình ảnh cảnh báo ở nhiều phương diện nhưng quả thật ít thấy bích chương hình ảnh nào cảnh báo thói vô trách nhiệm của những cá nhân, hoặc một tập thể nào đó trong khi nó “như một thứ a-xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội”.

      Ý kiến này đề cập đến mối nguy hại ngấm ngầm rất cần cảnh giác của thói vô trách nhiệm; nó xuất phát từ mỗi cá nhân nhưng lại gây hậu quả to lớn đối với toàn xã hội. Về thực chất, ý kiến này là sự cảnh báo về một vấn nạn đạo đức mang tính thời sự; thói vô trách nhiệm và hậu quả khôn lường của nó.

      Tinh thần trách nhiệm là ý thức nỗ lực nhằm hoàn thành tốt những phận sự của mình. Nó được biểu hiện cụ thể, sống động trong ba mối quan hệ cơ bản: giữa cá nhân với gia đình, cá nhân với toàn xã hội và cá nhân với bản thân mình. Tinh thần trách nhiệm là một phẩm chất cao đẹp, một thước đo giá trị con người, là cơ sở để xây dựng hạnh phúc của mỗi gia đình; đồng thời tinh thần trách nhiệm cũng góp phần quan trọng tạo nên quan hệ xã hội tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Hình ảnh cô cảnh sát giao thông đưa người già qua đường giữa làn xe tấp nập ở cung đường Nam Kỳ Khởi nghĩa – Võ Thị Sáu ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh mà các cơ quan thông tấn báo chí gần đây đưa tin là những hình ảnh thật đẹp về tinh thần trách nhiệm. Rõ ràng đó là những hình ảnh đẹp, nó toát ra từ nhân phẩm của cá nhân được rèn luyện nghiêm túc. Dù phải sống cùng với căn bệnh ung thư xương đang di căn từng ngày vào cơ thế nhưng sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Hân vẫn sống đẹp dù trong tuyệt vọng. Với cánh tay phải, Hân vẫn miệt mài hàng giờ bên tờ báo tường của lớp, nắn nót từng nét chữ tươi rói màu mực cho ngày lễ 20-11 của lớp trọn vẹn. Những đêm khuya, bà Trần Thị Tư – mẹ Hân – canh cánh trong lòng khi con gái vẫn ngồi bên bàn viết miệt mài với những bài văn, con toán của năm cuối cấp. Hân ngồi lặng lẽ trên phản, trở mình với từng trang giấy được lật, bài học không bỏ phí một ngày. Đó chính là một biểu tượng về tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình, không gục ngã trước nghịch cảnh dù đời sống của Ngọc Hân chẳng còn bao lâu nữa. Hình như em đã đang ở cuối con đường.

      Bên cạnh những nhân phẩm cao đẹp về trách nhiệm sống thì vẫn còn đâu đó thói vô trách nhiệm làm bức xúc dư luận xã hội.

      Thói vô trách nhiệm là biểu hiện của lối sống phi đạo đức, thể hiện ở ý thức và hành động không làm tròn phận sự của mình đối với xã hội, gia đình và bản thân, gây nên những hậu quả tiêu cực. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, lối sống ấy đang khá phổ biến, trở thành một vấn nạn trong xã hội. Những cán bộ có tài và có chức vụ cao ở huyện Hóc Môn và Gò Vấp đã và đang ra vòng móng ngựa thời gian vừa qua. Những khi còn tại vị chắc họ đã từng giáo huấn nhiều vấn đề đạo đức, trách nhiệm cho cán bộ cấp dưới, cho dân chúng địa phương nhưng rồi cuối cùng họ trở thành tội phạm tham ô. Thói vô trách nhiệm và đạo đức giả ấy làm băng hoại đạo đức con người, gây tổn hại hạnh phúc gia đình, gây tổn thất cho cộng đồng, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

      Chúng ta có cuộc sống thanh bình hơn 30 năm qua là phải đổi biết bao máu xương của cha, ông, của các anh hùng đã ngã xuống cho Tổ quốc này. Chúng ta cần phải “sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận” để xứng đáng với những hi sinh của thế hệ đi trước và sự kỳ vọng tha thiết của những người ngã xuống cho quê hương. Trách nhiệm sống của mỗi chúng ta là luôn rèn luyện nhân phẩm, năng lực tri thức để làm cho xã hội ngày càng phồn vinh, trong đó cần tuyên chiến một cách dũng cảm nhất với thói vô trách nhiệm và lối sống đạo đức giả.

Nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân – Bài mẫu 5

   Hiện nay, khi mà cuộc sống con người ngày một phát triển và đủ đầy hơn, con người lại càng sống ỉ lại, sống ích kỉ với những người xung quanh nhiều hơn. Thói vô trách nhiệm dần dần ăn sâu vào nếp sống của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ, đem lại những hậu quả vô cùng khôn lường.

   Vô trách nhiệm chính là cách con người sống thờ ơ, ỷ lại vào người khác. Họ mặc nhiên cho rằng mọi việc xung quanh  họ sẽ có những người khác giải quyết mà không cần đến mình. Thiếu trách nhiệm ở đây không chỉ là với xã hội xung quanh mà còn thiếu trách nhiệm với chính bản thân họ. Nói cách khác, đây là thái độ sống trái ngược với lối sống trách nhiệm, sống hết mình với bản thân cũng như xã hội. Luôn sẵn sàng trong những công việc khi ai đó cần tới sự giúp đỡ.

    Một thực trạng đáng buồn rằng hiện nay thói vô trách nhiệm đang lan nhanh như một bệnh dịch khó kiểm soát, đặc biệt là trong giới trẻ. Nó có rất nhiều biểu hiện khác nhau như: họ chỉ nghĩ tới những lợi ích nhỏ mọn của cá nhân mà không quan tâm tới lợi ích chung. Sống ỷ lại, luôn nhờ cậy những người xung quanh. Bàng quang với cuộc sống, không quan tâm tới những vấn đề xã hội không liên quan tới lợi ích bản thân. Thậm chí, dù việc đó có liên quan tới họ thì họ cũng sẽ trông chờ vào sự giúp đỡ của một người khác. Không chịu nhận lỗi sai hay trách nhiệm về bản thân khi có chuyện gì xảy ra…

    Có người đã từng nói đại ý rằng: Thói vô trách nhiệm giống như một loại axit đang dần ăn mòn cuộc sống của con người. Thật vậy, thói vô trách nhiệm của con người không chỉ ảnh hưởng tới họ mà còn có những ảnh hưởng tiêu cực tới toàn xã hội. Với bản thân những người sống vô trách nhiệm, họ sẽ bị chính thói vô trách nhiệm của mình làm cho vô cảm. Họ cứ mãi bàng quang với cuộc sống như vậy thì đến một ngày nào đó họ sẽ tự tách chính mình ra khỏi sự gắn kết của cộng đồng, trở thành những kẻ sống ngoài xã hội, lạc hậu và cô đơn. Những con người sống vô trách nhiệm vô hình chung sẽ tạo thành một thói xấu ảnh hưởng đến những người xung quanh. Và hãy thử tưởng tượng xem một xã hội với toàn những con người vô trách nhiệm, sống ý lại và thiếu ý thức tập thể thì xã hội ấy có thể phát triển được hay không? Rồi con người sống với nhau như những cỗ máy, không cảm xúc, không giúp đỡ. Cả xã hội tan ra như những mảnh ghép rời rạc không liên kết. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống đạo lý “tương thân tương ái”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” của dân tộc ta từ ngàn xưa.

   Vậy, nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh vô cảm này do đâu? Một trong những nguyên nhân có thể kể đến chính là sự phát triển tới chóng mặt của xã hội khiến con người bị cuốn vào những vòng xoáy của tiền tài, danh vọng, ăn chơi, hưởng thụ không thể dứt ra. Nó vô tình biến con người mất đi mối quan tâm tới những thứ khác. Bên cạnh đó, gia đình cũng nuông chiều con cái một cách thái quá khiến chúng có thói quen sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Ngoài ra, những tác nhân xấu bên ngoài như mạng xã hội cũng có tác động không nhỏ tới việc hình thành lối sống vô trách nhiệm.

   Từ chính những hậu quả cũng như nguyên nhân trên, chúng ta phải có những biện pháp để khắc phục tình trạng này. Phương pháp hiệu quả nhất xuất phát từ bản thân mỗi con người. Chúng ta phải có nhận thức được lối sống đúng đắn, chan hòa với mọi người cũng như trách nhiệm với bản thân và xã hội. Bố mẹ và nhà trường cần định hướng con cái lối sống lành mạnh, cởi mở và có ý thức trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ. Mỗi người hãy là một tấm gương người tốt, việc tốt để chính bản thân mình cũng như những người xung quanh học hỏi và phấn đấu…

   Cuộc sống càng phát triển thì con người càng phải đối mặt nhiều hơn với những khó khăn, thử thách. Nhưng đừng để những khó khăn ấy làm thay đổi con người bạn mà hãy sống bản lĩnh, sống trách nhiệm và yêu thương chính bản thân mình và những người xung quanh. Có như vậy, bệnh vô trách nhiệm sẽ chẳng thể lây lan đi đâu được nữa.

Nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân – Bài mẫu 6

    Có một câu nói thế này “Như một loại axit, thói vô trách nhiệm có thể ăn mòn cả xã hội”. Câu nói là hồi chuông cảnh báo về một loại lối sống lệch lạc thời hiện đại – thói vô trách nhiệm. 

   Rất đơn giản để hiểu được thói vô trách nhiệm là gì. Vô trách nhiệm là trạng thái con người không muốn đảm đương bất cứ việc gì với bất cứ ai, thậm chí là chính mình. Một vài biểu hiện đơn giản sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Khi ai đó vô trách nhiệm với gia đình là khi họ không dành tình thương, sự chăm sóc cho mỗi thành viên. Ai đó vô trách nhiệm với bản thân là khi họ tự hủy hoại sức khỏe của mình, lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ, không phấn đấu vì tương lai. Ở phạm vi xã hội, mỗi người không chịu cống hiến cho đất nước cũng là đang trở thành kẻ vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm còn có thể là không thừa nhận lỗi lầm của mình, không dám đứng ra sửa chữa và thay đổi bản thân. Vô trách nhiệm được biểu hiện trong vô vàn hành vi khác nhau. 

    Nam Cao có nói “Cẩu thả trong bất kì nghề gì là bất lương”. Câu nói cũng nhằm hướng tới bài học về thói vô trách nhiệm. Khi bạn không có trách nhiệm, bạn sẽ là một kẻ “bất lương”. Bởi, thử nghĩ mà xem, nếu một bác sĩ vô trách nhiệm sẽ làm chết bệnh nhân, một giáo viên vô trách nhiệm sẽ làm hỏng cả một thế hệ, một ông vua vô trách nhiệm khiến quốc gia suy vong… Những điều đó là hệ quả trông thấy của thói vô trách nhiệm. Thói vô trách nhiệm bề ngoài chỉ thuộc về hậu quả của một cá nhân phải gánh nhưng thực chất nó có ảnh hưởng với toàn xã hội. Thói vô trách nhiệm sẽ dẫn tới một loạt các thói xấu khác như giả dối, lừa gạt, thờ ơ… và cao nhất là vô cảm. Một xã hội thiếu tình thương giữa người với người tất sẽ tiêu vong.

    Nhắc đến nguyên nhân của thói vô trách nhiệm, ta nên bắt đầu từ sự xuống cấp chung trong lòng xã hội hiện đại. Xã hội phát triển, hội nhập mạnh mẽ, nhiều luồng văn hóa tư tưởng đan xen… khiến xã hội nảy sinh nhiều vấn đề nan giải. Ngược lại, con đường giáo dục chưa thực sự hiệu quả và dường như văn hóa sống bị bỏ ngỏ. Do đó, đạo đức xuống cấp, con người dần đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình, dễ dàng bị thói xấu “mua chuộc”. Như vậy, điểm dừng cuối cùng của chúng ta là ở bản thân mỗi con người. Mỗi chúng ta quá dễ dàng để bản thân bị tha hóa đạo đức, không nỗ lực để thực hiện vai trò của bản thân, tự cho mình quyền được vô tâm với kẻ khác.

   Giải pháp luôn được đưa ra bắt đầu từ nguyên nhân. Điều này đồng nghĩa, gia đình – nhà trường – xã hội cần quan tâm và có phương pháp giáo dục hiệu quả hơn nữa để thế hệ con em không lệch lạc trên con đường phát triển nhân cách. Song song với sự phát triển kinh tế, khoa học – kĩ thuật, chính phủ nên quan tâm đến cả vấn đề nhân văn và đạo đức, hạn chế tình trạng đạo đức xuống cấp. Nhà trường là nơi giáo dục, cần nêu cao trở lại tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn”. Mỗi gia đình là nền tảng của xã hội, đứa trẻ mà họ tạo nên gần như sẽ là bản sao của cha mẹ. Như vậy, chính cha mẹ phải là gương mẫu cho con cái của họ. Bản thân mỗi người cần tự rèn luyện, nâng cao ý chí, bồi dưỡng nhân cách để vững vàng hơn trước cuộc đời, không bị tha hóa, biến chất. 

    Trái với sống vô trách nhiệm là sống hữu ích. Khi bạn sống có ích, bạn đang đồng thời đấu tranh với thói vô trách nhiệm. Mỗi chúng ta hãy bắt đầu có trách nhiệm với chính bản thân, sau đó là gia đình và xã hội. Sống có trách nhiệm không khó nếu chúng ta bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.

—/—

Thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu Nghị luận về thói vô trách nhiệm của mỗi cá nhân tiêu biểu được tuyển chọn từ những bài viết xuất sắc của các bạn học sinh. Mong rằng các em sẽ có khoảng thời gian vui vẻ và hữu ích khi học môn Văn!

Xem thêm: Dàn ý phân tích Bài ca ngất ngưởng ngắn gọn, chi tiết, hay nhất